koligin.com

Blog tổng hợp các loại sâm nổi tiếng nhất hiện nay

Các loại Sâm

[Review] Huyền Sâm có tác dụng gì? Hướng dẫn sử dụng đúng cách

Hình ảnh Huyền Sâm

Hình ảnh Huyền Sâm

Huyền Sâm là loại thảo được đã được ông cha ta từ ngày xưa đã ứng dụng được vào các bài thuốc dân gian. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn thêm các thông tin về vị thuốc này.

Thông tin cây thuốc huyền sâm

Mô tả

Huyền sâm là rễ phơi hay sấy khô của cây bắc huyền sâm có tên khoa học Scrophularia ningpoensis, thuộc họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae, là loại cây thảo, sống nhiều năm, cao 1,5-2m. Rễ củ hình trụ, dài 5-12 cm bên dưới thường phân nhánh, vỏ ngoài màu vàng sẫm. Thân cây thẳng, hình vuông, có rãnh dọc, khi cây non có lông tơ sau nhẵn hoặc có ít lông tuyền. Lá mọc đối, hình trứng hay hình mác, dài 7-20 cm, đầu nhọn, mép có răng cưa nhỏ, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt có ít lông nhỏ rải rác, cuống lá 2-4 cm.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân và kẽ lá đầu cành thành chùy to gồm nhiều xim tán, hoa màu vàng nâu hoặc tím đỏ, hoa hình ống tràng hình chén, môi trên dài hơn môi dưới, nhị 4 gồm 2 dài, 2 ngắn. Quả nang, hình trứng, có đài tồn tại, hạt nhiều, màu đen. Mùa hoa tháng 6 – 10.

Hình ảnh Nụ hoa Huyền Sâm

Hình ảnh Nụ hoa Huyền Sâm

Phân bố

Chi Scrophularia được phân bố chủ yến ở vùng ôn đới ẩm và cận nhiệt đới. Huyền sâm Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam đầu những năm 60, được trồng phổ biến ở SaPa (Lào Cai) sau đó được chuyển dần xuống Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đồng Văn (Hà Giang), Mai Châu (Hòa Bình),…Cây trồng ở Việt Nam rất thích hợp với khí hậu nhiệt đới núi cao từ 1000 đến 1700m: Nhiệt độ trung bình khoảng 15-18ᵒC, lượng mưa 1500-2800 mm/năm, độ ẩm 80%. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè, ra hoa quả nhiều. Hạt phát tán xuống đất có khả năng tái sinh tự nhiên. Ở các vùng trồng, cây trở nên hoang dại hóa, mọc lan với nhiều loại cây cỏ khác ở ven rừng, ven đường đi, bờ nương rẫy.

Cách thu hái, sơ chế

Cây được trồng bằng hạt giống vào mùa xuân, thu hoạch rễ vào tháng 10-11 khi thân và lá đã héo tàn. Rễ đào về, cắt bỏ đầu, mầm, rễ con, rửa sạch đất rồi phơi nắng. Tối giữ ẩm cho rễ, sau một thời gian 3-6 ngày, màu rễ sẽ sẫm lại. Sau đó phơi hay sấy cho thật khô.

Thông tin về vị thuốc Huyền sâm

Tính vị, quy kinh

Huyền sâm có vị đắng ngọt, hơi mặn, tính mát, quy kinh phế, thận.

Công năng, chủ trị

+ Thanh nhiệt giáng hỏa: Dùng khi nhiệt độc đã nhập vào dinh huyết dẫn đến sốt cao, nói mê sảng; sốt cao co giật, có thể phối hợp với sinh địa, mẫu đơn bì, hoàng liên.

+ Sinh tân dưỡng huyết: Có thể phối hợp với các vị thuốc bổ âm như thiên môn, mạch môn trong trường hợp cơ thể bị tổn thương tân dịch.

+ Giải độc chống viêm: Phối hợp với kim ngân hoa, liên kiều, hoàng liên, cát cánh dùng trong các trường hợp bệnh sốt phát ban chẩn, viêm họng, viêm tai, đau mắt đỏ, mụn nhọt. Huyền sâm cũng có thể phối hợp với sinh địa, kim ngân, khổ sâm để chữa bệnh vẩy nến.

+ Tán kết, nhuyễn kiện, làm mềm các khối u, khối rắn: Dùng trong các bệnh kết hạch.

+ Bổ thận, có tác dụng tư thận âm: dùng trong các trường hợp âm hư hỏa vượng, chế hỏa, thường dùng với các thuốc bổ âm khác.

+ Chỉ khát: Trị tiêu khát, dùng trong bệnh đái tháo đường, phối hợp với sinh địa, mạch môn.

Huyền Sâm giúp giải độc, chống viêm

Huyền Sâm giúp giải độc, chống viêm

Tác dụng của Huyền Sâm

– Tim mạch: Cao lỏng huyền sâm được thí nghiêm trên tim ếch cô lập với nồng độ thấp (0,01 – 0,02%), làm tăng sức co bóp cơ tim và với nồng độ trung bình 0,1%  làm chậm nhịp tim, lực của tim yếu đi; Với nồng độ cao 10% làm tim ngừng đập.

– Mạch máu: Huyền sâm gây dãn mạch. Dùng cao lỏng huyền sâm tiêm vào tĩnh mạch thỏ gây mê nhận thấy: Với liều nhỏ 1-4% huyết áp hơi tăng, sau đó hạ xuống rồi trở lại bình thường; Liều lớn 10% trên tĩnh mạch của thỏ, nó có tác dụng gây hạ huyết áp nhẹ, biên độ hô hấp tăng mạnh.

– Kháng khuẩn: Huyền sâm có tác dụng kháng sinh đối với nhiều vi khuẩn gây bệnh trên da, ngoài ra còn có tác dụng điều trị tốt đối với viêm họng mạn tính, viêm họng đỏ cấp tính.

– Huyền sâm còn có tác dụng hạ đường huyết bởi thành phần Iridoid có trong huyền sâm: Sử dụng mô hình invivo trên thỏ bằng phương pháp Denigea: Tiêm dưới da dung dịch huyền sâm 5ml/ kg thể trọng. Sau đó cách mỗi giờ định lượng đường máu một lần, thực hiện 5 lần. Thí nghiệm cho thấy lượng đường huyết thấp hơn so với mức đường huyết bình thường của thỏ (15mg/100 ml máu).

Đối tượng sử dụng

– Dạng uống: Huyền sâm được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhiệt, phiến khát, sốt nóng, khát nước, phát ban, miệng lưỡi lở loét, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm kết mạc, ho khan, táo bón, mẩn ngứa, mụn nhọt.

– Dùng ngoài: Huyền sâm có tác dụng tốt với bệnh tăng tiết dịch.

Huyền Sâm dành cho người ho khan táo bón

Huyền Sâm dành cho người ho khan táo bón

Thận trọng trong quá trình sử dụng

– Huyền sâm không được sử dụng đối với những trường hợp: Người có huyết áp thấp, đường huyết thấp hoặc cơ thể hư hàn ỉa lỏng, những người yếu dạ dày, yếu tim, mạch vi tế hoặc khi bị chứng dương hư.

– Thuốc cần được uống lúc còn sắc ấm, không uống nước sắc nguội dễ bị tiêu chảy. Trong thời gian uống thuốc, kiêng các thức ăn đắng, lạnh như mướp đắng, ốc hến, hải sản,..

Cách dùng

– Thuốc uống liều một lần 4-12 g dùng dạng thuốc sắc hoặc cao, cốm ngậm.

– Dùng tại chỗ: Sử dụng lá nghiền nhỏ để lau và đắp.

Xem thêm: [Đánh Giá] Sâm Đại Hành có tác dụng gì? Cách sử dụng hiệu quả

Các bài thuốc dân gian từ vị thuốc Huyền Sâm

– Chữa viêm họng, viêm amidan, ho, khản tiếng:

Huyền sâm 10 g, mạch môn đông 8 g, cam thảo 5 g, cát cánh 5 g, thăng ma 5 g. Sắc với 600 ml nước đến khi còn khoảng 200 ml chia 3 – 4 lần uống trong ngày hoặc ngậm và súc miệng.

Cao huyền sâm: Nấu huyền sâm với nước theo phương pháp chiết xuất ngược dòng và cô cao dưới áp xuất giảm đến khi độ ẩm còn 16 – 19 %. Cao huyền sâm đặc quánh có vị ngọt, dễ ngậm. Mỗi lần ngậm 1/4 – 1/2 thìa cà phê, ngày sử dụng 3 – 4 lần.

Hình dạng nguyên rễ Huyền Sâm

Hình dạng nguyên rễ Huyền Sâm

– Chữa mụn nhọt, lở ngứa, rôm sảy, táo bón, sốt nhức đầu:

Huyền sâm 10 g, sài đất 10 g, thổ phục linh 10 g, cam thảo 4 g. Tất cả được nấu thành cao, trừ thổ phục linh tán bột. Trộn đều với đường kính vừa đủ để xát cốm.

– Chữa viêm họng cấp và mạn tính:

Viên nén sâm can: Mỗi viên có 0,5 g huyền sâm, 0,2 g xạ can. Người lớn mỗi ngày ngậm 8 – 15 viên, chia làm 3 lần. Trẻ em mỗi ngày sử dụng 4 – 6 viên, chia 3 lần.

Siro sâm can: Trong 100 ml dung dịch có chứa 20 g huyền sâm và 8 g xạ can. Trẻ em sử dụng mỗi ngày 2 – 3 thìa cà phê, tương đương 10 – 15 ml dung dịch, chia làm 3 lần.

– Chữa sốt xuất huyết:

Huyền sâm, sinh địa, mạch môn, ngưu tất, tri mẫu, hoàng bá, đan sâm, đơn bì, xích thược, cỏ nhọ nồi, trắc bá sao, huyết dụ: Mỗi vị 10 – 16 g. Sắc uống mỗi ngày một thang, chia sử dụng 3 – 4 lần.

– Chữa các chứng sốt cơn không rét, nóng ẩm kéo dài, khô khát, viêm họng, táo bón, sốt phát ban, sốt bại liệt, sưng phổi.

Huyền sâm, mạch môn, ngưu tất, hạt muống sao, mỗi vị 20 g; dành dành 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Nếu sốt 38 ᵒC, giá thêm 20 g lá tre xanh; Nếu sốt cao 39 ᵒC uống thêm 12 g bột thạch cao nung.

– Chữa suy nhược cơ thể do viêm phế quản mạn tính, lao (Bách hợp cố kim thang)

Huyền sâm, sinh địa, thục địa, bách hợp, mỗi vị 12 g; Mạch môn, đương quy, bạch thược mỗi vị 8 g, cát cánh 6g, bối mẫu, cam thảo 4 g.

Nếu ho ra máu, giá thêm bạch cập, a giao, mỗi vị 8 g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

– Chữa cao huyết áp ở bệnh nhân có giãn tim, chóng mặt, khó thở, ra mồ hồi.

Huyền sâm 10 g, mạch môn 15 g, hà thủ ô đỏ 15 g, đương quy 10 g, sinh địa 10 g, ngũ vị tử 10 g, táo ta 10 g, phục linh 6 g, thạch xương bố 6 g, cúc hóa 6 g, cam thảo 6 g, đẳng sâm 6g, chi tử 3 g. Sắc với 800 ml nước, đến khi còn 200 ml. Uống hết 1 thang trong ngày, chia 3 – 4 lần.

Vị thuốc Huyền Sâm có mặt trong nhiều bài thuốc

Vị thuốc Huyền Sâm có mặt trong nhiều bài thuốc

Copy ghi nguồn: https://koligin.com/

Xem thêm: Tác dụng của Đan Sâm là gì? Cách sử dụng, Giá bán

Trả lời