koligin.com

Blog tổng hợp các loại sâm nổi tiếng nhất hiện nay

Các loại Sâm

[Đánh Giá] Sâm Đại Hành có tác dụng gì? Cách sử dụng hiệu quả

Hình ảnh Sâm Đại Hành

Hình ảnh Sâm Đại Hành

Sâm Đại Hành là sản phẩm có mặt trong nhiều vị thuốc của ông cha ta. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn thông tin về cây Sâm đại hành.

Thông tin cây thuốc Sâm đại hành

Mô tả

Sâm đại hành còn được gọi sâm cau, tỏi lào, có tên khoa học Eleutherine subaphylla thuộc họ La dơn Iridaceae, là loại cây thảo, sống lâu năm, cao đến 30 cm hoặc có thể hơn đến 60 cm. Thân hành nằm ở dưới đất thường hay được gọi là củ có hình trứng thuôn, dài khoảng 4 – 5cm, đường kính 2 – 3 cm, giống như củ hành nhưng dài hơn, ngoài phủ vảy màu đỏ nâu, phía trong màu nâu hồng đến màu đỏ nâu.Lá hình mác, gân lá song song, chạy dọc, trông giống lá cau non có thể dài 40 – 50, rộng 3 – 5 cm. Từ củ mọc lên một cán mang hoa dài 30 – 40 cm, trên cán có một lá dài 15 – 25 cm.

Cụm hoa mọc từ thân hành thành chùm dài 20 cm, lá bắc dạng lá, hoa màu trắng, cuống dài; lá đài 3 , thuôn hẹp, mỏng; Cánh hóa 3, hơi hẹp hơn lá đài; Nhị 3 màu vàng mọc đứng, bao phấn màu vàng, bầu hình trứng ngược có 3 ô. Quả ít gặp. Mùa hoa tháng 4 đến tháng 6.

Sâm đại hành là cây ưa ẩm và ưa sáng, Tuy nhiên ở một giới hạn nào đó, cây trồng xen ở vườn cây ăn quả vẫn sinh trưởng và phát triển được nhưng số lượng nhánh trong khóm và mức độ phát triển thấp hơn những cây trồng ở nơi được chiếu sáng đầy đủ. Sâm đại hành thích nghi cao ở những điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Cây trồng ở những vùng núi cao trên 1500m , nhiệt độ trung bình 15ᵒC, sinh trưởng và phát triển kém hơn vùng đồng bằng và trung du. Sâm đại hành ra hoa nhiều hàng năm nhưng dường như không thấy đậu quả. Hình thức tái sinh và phát triển của cây là việc đẻ nhánh con (Hành con).

Sâm đại hành có hiện tượng bán tàn lụi vào mùa đông, sinh trưởng và phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm. Toàn bộ phần củ hành giữ được sức sống lâu sau khi đào lên khỏi mặt đất.

Dạng cây Sâm Đại Hành

Dạng cây Sâm Đại Hành

Phân bố

Cây Sâm đại hành có nguồn gốc ở châu Mỹ, hiện nay được trồng ở vùng nhiệt đới châu Á bao gồm Indonesia, Philippin và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng, sâm đại hành có nguồn gốc ở Đông Dương, vừa mọc hoang vừa được trồng ở đây. Ở Việt Nam, sâm đại hành được trồng lấy củ làm thuốc ở nhiều nơi như Hòa Bình, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng

Cách thu hái, sơ chế

Sâm đại hành trồng được một năm, đến mùa đông cây tàn lụi thì thu hoạch. Cũng có thể để đến 2 năm, nhưng phải chờ thu hoạch vào mùa đông khi cây ngừng sinh trưởng. Không thu hoạch khi cây bắt đầu mọc mầm mới.

Khi thu hoạch, chọn ngày nắng ráo, đất kho, cuốc từng khóm hoặc cày lật, rũ sạch đất. Có thể phơi dược liệu ngoài ruộng 1 đến 2 ngày cho khô đất để dễ rũ.

Sau khi thu hoạch, củ được rửa sạch, bóc lớp vỏ ngoài, thái mỏng dùng tươi hoặc phơi sấy khô, để nguyên hay tán bột mà dùng. Thuốc có vị đắng, mùi hơi hắc.( Chú ý: phải thái dọc để tránh vụn nát)

Nếu chưa dùng ngay thì có thể tách từng nhánh, rũ sạch đất, để nguyên cả rễ và lớp vỏ khô bên ngoài, cắt bỏ phần thân lá, để trong cát ẩm hay chỗ mát để củ lâu khô. Với cách này có thể bảo quản dược liệu được vài tháng

Hình ảnh Sâm Đại Hành được thái nhỏ

Hình ảnh Sâm Đại Hành được thái nhỏ

Thông tin về vị thuốc Sâm đại hành

Tính vị, quy kinh: Sâm đại hành có vị ngọt nhạt, tính bình, quy vào 3 kinh: can, tỳ, phế.

Công năng, chủ trị:

+ Bổ huyết: Dùng để chữa thiếu máu, vàng da, xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi.

+ Chỉ huyết (Cầm máu): Dùng trong các trường hợp ho ra máu, bị thương chảy máu.

+ Giảm ho, tiêu độc, kháng khuẩn, tiêu viêm: Dùng chữa ho gà, viêm họng, mụn nhọt, chốc lở.

–  Ở Indonesia, rễ sâm đại hành được dùng theo kinh nghiệm dân gian làm thuốc lợi tiểu, trị lỵ, viêm, sa trực tràng.

– Ở Philippin, nhân dân dùng rễ củ giã nát đắp lên vết cắn độc, nhổ gai ở chân, vết châm đốt của sâu bọ, nhọt, vết thương. Rễ củ nướng, giã nát để chữa đau bụng.

– Ở Peru, thổ dân vùng Amazon dùng sâm đại hành để trị rối loạn tiêu hóa, bệnh ngoài da. Ở vùng Haiti, rễ sâm đại hành trị vô kinh dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.

Hoa Sâm Đại Hành

Hoa Sâm Đại Hành

Tác dụng

– Tác dụng kháng khuẩn: Dịch chiết toàn phần sâm đại hành có tác dụng ức chế rõ rệt invitro trên mô hình khuếch tán khoanh giấy trên đĩa thạch đối với phế cầu khuẩn Diplococcus pneumoniae, Liên cầu tan huyết Streptococcus hemolyticus và tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Tác dụng yếu hơn đối với Shigella flexneri, Shiga, Bacillus mycoides. Không có tác dụng đối với Escherichia coli, Bacillus pyocyaneus.

+ Trực khuẩn lao: Cao cồn của sâm đại hành ức chế rõ rệt sự phát triển của trực khuẩn lao, nồng độ ức chế tối thiểu 1/50 đối với chủng cường độc H37RV được nuôi cấy trong môi trường Sauton. Hoạt chất được chiết xuất từ sâm đại hành eleutherine, isoeleutherin, eleutherol có tác dụng kháng trực khuẩn lao cường độc H37RV ở nồng độ ức chế tối thiểu là 10 µg/ ml, trong khi cao cồn sâm đại hành sấy khô phải ở nồng độ tối thiểu 40 µg/ ml mới ức chế trực khuẩn lao.

– Tác dụng chống viêm: Dịch chiết toàn phần sâm đại hành có tác dụng chống viêm cấp tính và mạn tính, không gây biểu hiện độc tính, không ảnh hưởng đến thành phần máu và chức năng gan thận trong thử nghiệm độc tính bán cấp. Sâm đại hành cho thỏ uống 2 g/ ngày trong 3 tuần không ảnh hưởng đến khả năng thực bào, số lượng đại thực bào phế nang phổi được nuôi cấy trong môi trường tụ cầu vàng.

– Sâm đại hành có tác dụng làm tăng hồng cầu, huyết sắc tố: trên mô hình chuột cống trắng gây thiếu máu bằng acetat chì.

– Tác dụng an thần: Dịch chiết sâm đại hành làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột nhắt trắng, giảm sự khéo léo nhanh nhẹn của chuột nhắt trắng trong thí nghiệm chuột leo ống và có tác dụng kéo dài thời gian giấc ngủ gây ra bởi thuốc ngủ cvipan. Đồng thời có tác dụng ức chế sự hưng phấn gây bởi cafein và co giật gây bởi strychnin.

Đối tượng sử dụng

– Trên lâm sàng, sâm đại hành thấy có tác dụng tốt đối các bệnh ngoài da như chốc đầu trẻ em, nhọt đầu đinh, viêm da mủ, chàm nhiễm trùng, tổ đỉa, vẩy nến.

– Bệnh nhân phế nhiệt, viêm họng cấp tính và mãn tính.

– Bệnh nhân thiếu máu, da xanh, nhợt nhạt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi.

Dạng củ Sâm Đại Hành

Dạng củ Sâm Đại Hành

 Lưu ý khi sử dụng Sâm Đại Hành

Nước sắc sâm đại hành nên dùng trong ngày.

Cách dùng Sâm Đại Hành hiệu quả

– Sâm đại hành được dùng dưới dạng rượu, nước sắc, cao hay chế thành viên. Ngày dùng 4 đến 12g dược liệu khô hay 12 đến 30 g dược liệu tươi.

+ Rượu sâm đại hành: Sâm đại hành sau khi thái mỏng 100g kết hợp với rượu uống 30 ᵒ vừa đủ 1 lít. Ngâm trong 10 – 15 ngày. Ngày uống 20 – 30ml (khoảng 1 chén nhỏ) chia làm 2 lần, uống vào trước 2 bữa cơm chính trong ngày. Sử dụng liên tục trong 15 – 20 ngày. Rượu sâm đại hành chữa thiếu máu, xanh xao, mệt mỏi. Có thể thêm đường cho đủ độ ngọt, dễ uống.

+ Nước sắc Sâm đại hành: Sâm đại hành tươi 12 – 30 g cùng với 400 ml nước. Sắc đến khi còn khoảng 150ml, chia làm 2 lần, uống trước 2 bữa ăn chính trong ngày.

+ Viên Sâm đại hành: Dịch chiết sâm đại hành bằng rượu 40 ᵒ, cô đến khô, sau đó chế thành viên. Mỗi viên 0,25 g. Người lớn uống 9 -12 viên chia làm 3 lần uống trong ngày. Trẻ em từ 1 – 5 tuổi, ngày dùng 2 – 6 viên; trẻ em 6 – 13 tuổi, ngày uống 6-8 viên.

Dạng nước sắc Sâm Đại Hành

Dạng nước sắc Sâm Đại Hành

Copy ghi nguồn: https://koligin.com/

Xem thêm: Công dụng của cây Đẳng Sâm là gì? Cách dùng hiệu quả

Trả lời